"10 năm liền, hai đứa con em chưa một lần cất tiếng gọi bố mẹ"
Chúng tôi tìm về căn nhà của chị Thị Nhắk (bon Bu M'lanh, xã Đắk R'tíh, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) theo lời khẩn cầu giúp đỡ của người phụ nữ M'nông này.
Được biết đây là gian nhà cũ của gia đình nhà ngoại, được chị Thị Nhắc cải tạo lại, cùng hai đứa con bại não nương náu gần chục năm nay.
Căn nhà gỗ của chị Thị Nhắk nằm trên mỏm đất, sẵn sàng đổ nếu gặp mưa dài ngày (Ảnh: Đặng Dương).
Chị Thị Nhắk cùng chồng đều xuất thân nghèo khó, cuộc sống quanh năm chỉ dựa vào đi làm thuê. Năm 2010, đứa con đầu lòng - Điểu Khôi ra đời. Thế nhưng trớ trêu, ngay từ khi sinh ra, cậu bé đã bị bại não, chân tay không thể vận động được.
Sau những ngày tháng vật lộn với bệnh tật của đứa con đầu lòng, vợ chồng chị Thị Nhắc quyết định sinh thêm đứa con thứ hai với mong mỏi có đứa con khỏe mạnh, gia đình vui vầy. Nhưng số phận thật nghiệt ngã, khao khát đó của chị Nhắc tiếp tục đổ sụp khi cháu Điểu Khiêm (SN 2014) ra đời cũng bị bại não như anh trai.
Điểu Khiêm (SN 2014) ra đời cũng bị bại não như anh trai (Ảnh: Đặng Dương).
"10 năm liền, hai đứa con của em chưa một lần cất tiếng gọi bố mẹ. Thay vào đó, Điểu Khiêm và Điểu Khôi chỉ nằm một chỗ, phát ra những tiếng khò khè, rên rỉ, có lúc lại la hét như bị người đánh. Bệnh tật hành hạ các cháu mà vợ chồng em cũng đau đớn, xót xa vô cùng", chị Thị Nhắc nói về bệnh tình của con.
Ôm đứa con gần 10 tuổi nằm gọn gàng trong vòng tay, chị Thị Nhắk nói thêm: "Khi sinh ra, cả hai cháu đều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, các cháu có những biểu hiện bất thường. Đôi mắt lờ đờ, chân tay teo dần, thi thoảng lại khóc ré lên. Hai vợ chồng cũng cố gắng chạy chữa, nhưng được một thời gian phải đưa cháu về nhà vì không còn tiền. Năm ngoái, Điểu Khôi bị Covid-19 rồi qua đời. Chồng em chôn cất cháu xong rồi cũng bỏ đi từ ngày ấy".
Năm ngoái, Điểu Khôi bị Covid-19 rồi qua đời. Chồng chị Thị Nhắk cũng bỏ đi từ ngày ấy (Ảnh: Đặng Dương).
Nhắc về chồng, nhắc về đứa con trai đã mất sớm, về những nỗi đau không thể nói thành lời, chị Thị Nhắk đã từng muốn buông xuôi tất cả. Tuy nhiên, vì đứa con còn lại không có người cưu mang, người phụ nữ này phải cố sống để chăm sóc con.
Số tiền ít ỏi từ trợ cấp đối với trẻ khuyết tật khiến 2 mẹ con bữa đói, bữa no, có những hôm chị chỉ dám ăn cơm trắng để dành tiền mua sữa cho con nhỏ.
Có thời điểm, chị Thị Nhắk chỉ ăn cơm trắng, dành tiền mua sữa cho con (Ảnh: Đặng Dương).
Nỗi đau đằng đẵng đeo đuổi suốt những năm qua. Song đối với người phụ nữ M'nông này, nghèo đói thì có thể vay mượn hàng xóm để sống qua ngày, nhưng khi chứng kiến con bị bệnh tật hành hạ, chị mới bất giác nghĩ về cái chết sẽ đến với con và đến với chính mình.
Mỗi khi lên cơn, chân tay Điểu Khiêm lại căng cứng lên, mẹ phải túc trực để xoa bóp (Ảnh: Đặng Dương).
Là mẹ, chị Thị Nhắk không đành lòng nhìn con đau đớn, khổ sở mà khóc nấc: "Nhìn con người ta lại xót xa cho con mình. Con người ta thì chạy nhảy, gọi bố gọi mẹ, còn hai đứa nhà em chỉ nằm một chỗ. Bây giờ cháu mà ốm thì em cũng không dám đi bệnh viện, vì lên đó nằm thì không biết lấy tiền đâu mà trả tiền ăn uống, thuốc thang".
Đã có lúc, người phụ nữ M'nông muốn buông xuôi tất cả (Ảnh: Đặng Dương).
Chia sẻ thêm về hoàn cảnh của chị Thị Nhắc, ông Điểu Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R'tíh thông tin: "Sau khi cháu Điểu Khôi mất, chồng bỏ đi thì cuộc sống mẹ con chị Thị Nhắk và Điểu Khiêm khó khăn hơn. Có thời điểm, do cháu Điểu Khiêm ốm đau liên miên, bữa cơm của hai mẹ con chỉ có cơm trắng và cá khô, muối ớt. Chính quyền địa phương mong mỏi các mạnh thường quân có thể hỗ trợ, giúp đỡ gia đình chị Thị Nhắk để vơi bớt những khó khăn về vật chất, tinh thần".
网友评论